top of page
Search

Tập luyện cho người tiểu đường có lợi ích gì?

Chế độ tập luyện cho người tiểu đường rất quan trọng vì nó là một phần trong quá trình điều trị đái tháo đường, giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng.

Việc thay đổi chế độ luyện tập thể dục phù hợp với bệnh nhân đái tháo đường cũng góp phần điều trị béo phì, tăng huyết áp, tăng cholesterol, từ đó, giảm thiểu nguy cơ đột quị, cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai.


I. NGUYÊN TẮC TẬP THỂ DỤC

  1. Tùy thuộc vào độ tuổi, thời gian mắc bệnh, bệnh lý tim mạch, mắt, thận kèm theo.

  2. Được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng về chế độ luyện tập phù hợp.

  3. Cá nhân hóa trong chế độ luyện tập thể dục.

II. LỢI ÍCH TẬP THỂ DỤC Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

– Làm giảm nồng độ đường máu cả trong và sau khi tập, cải thiện đường máu trong quá trình điều trị.

– Làm tăng nhạy cảm với insulin máu và tăng tác dụng của insulin, do đó nhu cầu insulin sẽ giảm đi.

– Làm giảm nguy cơ bị các biến chứng tim mạch thông qua những ảnh hưởng có lợi lên mỡ máu và huyết áp ở các bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên để đạt được điều này cường độ luyện tập bệnh nhân khá tích cực như chạy ít nhất 14,5-19km/tuần và tăng dần lên đến khoảng 64km/tuần. Tập luyện với cường độ nhẹ hơn sẽ ít hoặc không có tác dụng làm thay đổi các loại mỡ máu.

– Tập thể dục đều đặn có thể làm giảm trung bình 5-10mmHg cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Tác dụng này rõ hơn ở các bệnh nhân có tăng huyết áp mức độ nhẹ hoặc vừa.

– Làm giảm trọng lượng cơ thể, loại bỏ bớt lượng mỡ thừa ở các bệnh nhân đái tháo đường typ 2 thừa cân hoặc béo phì. Tập thể dục sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu phối hợp cùng với chế độ ăn giảm vừa phải calo nhưng sẽ không có tác dụng nếu như bệnh nhân đang áp dụng chế độ ăn kiêng rất ít calo (600-800kcal/ngày).

– Tập luyện thể dục thường xuyên giúp cải thiện các chức năng tim mạch của người bệnh như làm giảm nhịp tim lúc nghỉ (tim phải hoạt động ít hơn), làm tăng khả năng co bóp tống máu của tim…, tăng cường sức khỏe nói chung, tăng khả năng lao động chân tay cũng như sự phối hợp động tác của người bệnh.

Ngoài ra, tập thể dục đều đặn còn mang lại cho người bệnh cảm giác thoải mái và một cuộc sống có chất lượng cao.




III. NGUY CƠ TẬP THỂ DỤC Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

– Thường gặp và nguy hiểm nhất là hạ đường máu xuống quá thấp, xảy ra ở các bệnh nhân được điều trị insulin hoặc thuốc uống hạ đường máu loại sulfamide, bệnh nhân quá kiêng khem, người lớn tuổi… Cũng thường có các biểu hiện đói, run tay chân, vã mồ hôi hoặc hôn mê… giống như hạ đường máu do điều trị insulin hoặc thuốc sulfamide quá liều.

– Ngược lại, một số bệnh nhân khi tập nặng lại có thể bị tăng đường máu ( do tăng các hocmon nội sinh như glucagon, catecholamine, cortison…), kéo dài trong vòng một vài giờ sau khi tập xong. Các bệnh nhân đái tháo đường typ 1 có tăng đường máu kiểu này dễ bị rơi vào tình trạngnhiễm toan ceton.

– Khi tập thể dục nặng có thể làm tăng nguy cơ bị các biến chứng tim mạch như gây cơn đau thắt ngực (do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim), thậm chí gây nhồi máu cơ tim,đột quỵ cho người bệnh đái tháo đường.

– Một số bệnh nhân bị loạn nhịp tim, khi tập thể dục tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim nguy hiểm cùng với nhồi máu cơ tim nặng là thủ phạm gây đột tử ở không ít bệnh nhân đái tháo đường.

– Tập thể dục cũng có thể làm nặng thêm các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường như:

  • Gây xuất huyết đáy mắt hoặc làm bong võng mạc ở những người đã có biến chứng đáy mắt giai đoạn 3 (có tăng sinh mạch máu). Hậu quả là gây mù hoàn toàn.

  • Làm tăng mất thêm chất đạm qua nước tiểu và làm nặng thêm bệnh lý thận do đái tháo đường.

  • Với những người béo hoặc lớn tuổithoái hóa khớp (như khớp gối), tăng cường vận động thể lực có thể làm tổn thương khớp trầm trọng hơn.

  • Ngoài ra các nguy cơ gây tổn thương mô mềm hoặc tổn thương bàn chân cũng tăng lên, nhất là khi bệnh nhân đi giày dép chật, đi chân đất hoặc đã có biến chứng thần kinh gây giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân.

  • Các bệnh nhân đã có biến chứng thần kinh tự động không nên tăng mức vận động vì tim và hệ tuần hoàn không tăng hoạt động tương ứng hoặc do bị tụt huyết áp tư thế, nhất là khi bệnh nhân bị ra nhiều mồ hôi, mất nước trong quá trình tập luyện.

2 views0 comments
Post: Blog2_Post
bottom of page